HELENA PETROVNA BLAVATSKY-CH 1, 2, 3

Helena  Petrovna  Blavatsky

 

Chuyện được soạn theo những tài liệu có được tính đến lúc này (2004) nên sẽ có vài chỗ khác với sách được viết đã lâu, hoặc có chi tiết thêm vào hoặc có khám phá mới:
Old Diary Leaves, by Henry Steel Olcott.  – An Outline of Modem Occultism by Cyril Scott
Personal Memoirs of H.P.Blavatsky, by Mary K.Neff 1967
Blavatsky and Her Teachers, Jean Overton Fuller 1988.
H.P.B. by Sylvia Cranston, 1999.
The Letters of H.P.Blavatsky, volume 1. H.P.Blavatsky Collected Writings. TPH 2003.
Cách viết tên cũng sẽ có khác đôi chút do có thay đổi về ngữ âm so với cách viết thế kỷ 19 và 20. Nói riêng về quyển Blavatsky and Her Teachers, đây là sách có phần phiên dịch từ Nga, Đức, Pháp và Ý sang Anh văn chính xác nhất, bởi tác giả Fuller thông thạo những ngôn ngữ này, tự tham khảo tài liệu nguyên bản bằng Nga văn, Đức, Ý v.v. nên có thể kiểm chứng lại bản dịch dùng trong những sách viết trước đây về H.P.B. Sách có nhiều nghiên cứu công phu, đính chính một số ghi chép sai lầm của nhiều tác phẩm khác.
Bài do Hoàng Lan tổng hợp.

CHƯƠNG I
Thời Thơ Ấu

Helena Petrovna von Hahn sinh đêm 30/31 tháng bẩy năm 1831 theo lịch cũ của Nga, tính theo lịch tây phương thì đó là đêm 11/12 tháng tám. Cha của Helena (Peter Alexeyevich von Hahn 1798 - 1873) khi ấy là đại úy trong đoàn kỵ mã pháo binh hoàng gia, ông gốc Đức với tổ tiên là bá tước Hahn von Rottenstem–Hahn sang định cư bên Nga thời Peter III. Bà nội của Helena là nữ bá tước von Proben và Helena thừa hưởng mái tóc dầy, quăn lẫn nét mặt, tính tình sống động của bà. Về bên mẹ bà ngoại của Helena là công nương Helena Pavlovna Dolgorouky (phụ danh Pavlovna), thuộc một trong những dòng quí tộc có liên hệ với lịch sử Nga. Mẹ của Helena tên Helena Andreyevna Fadeyef (1814 - 1842, phụ danh Andreyevna), là một tiểu thuyết gia có tiếng với bút hiệu Zenaida R. được ví như một Georges Sand của Nga (Georges Sand: nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng của Pháp thế kỷ 18). Tên Nga có phụ danh đi kèm với tên riêng của mỗi người, nên tuy ba nhân vật bà ngoại (Helena Pavlovna), mẹ (Helena Andreyevna) và con gái (Helena Petrovna – phụ danh Petrovna), cùng mang tên Helena nhưng không lẫn lộn vì có phụ danh khác nhau.
Helena Andreyevna Fadeyef là con trưởng, tiếp đó là Catherine về sau sinh ra Nicolas Witte là thủ tướng đầu tiên tại Nga, con thứ ba là Rostilav và chót hết là Nadyezhda chỉ hơn Helena Petrovna 2 tuổi, và là người dì rất yêu quí của Helena Petrovna. Helena Andreyevna lập gia đĩnh năm 16 tuổi và sinh ra con đầu lòng là Helena Petrovna lúc 17 tuổi. Helena sinh thiếu tháng tại Ekaterinoslav (nay là Dnepropetrovsk), thành phố bên sông Dnieper ở miền nam nước Nga. Lúc ấy trong vùng có nạn dịch tả và Helena Andreyevna sinh con trong lúc mắc bệnh này, người ta không hy vọng là cả hai mẹ con sống sót, nên gia đình cho mời giáo sĩ làm lễ rửa tội trẻ sơ sinh ngay sau đó. Theo nghi lễ của Chính Thống giáo tại Nga, người dự lễ đứng trong suốt buổi và nghi lễ thường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Cả gia trang gồm gia đình chủ nhân và trọn những người giúp việc (Nga lúc ấy còn chế độ nông nô) đều hiện diện, và bà dì tí hon Nadyezhda chỉ mới hai tuổi (sinh năm 1829) tay cầm nến sau một lúc mệt mỏi, bèn ngồi bệt xuống đất cạnh chân giáo sĩ làm lễ. Bé gái Nadyezhda thiu ngủ, cây nến trong tay chao đi khiến lửa bắt vào áo lễ của giáo sĩ, làm cháy áo mà không ai hay biết. Khi nghi lễ sắp xong thì người ta mới khám phá ra tai nạn và hốt hoảng dập tắt, nhưng chuyện huyên náo và giáo sĩ bị phỏng, khiến có tiên đoán là cuộc đời của trẻ sơ sinh Helena Petrovna sẽ có lắm điều kỳ lạ.
Đại úy Hahn không hiện diện trong buổi lễ, vì ông đang ở mặt trận trong cuộc tranh chấp Nga Thổ, nhưng qua năm sau gia đình đoàn tụ và rồi theo đại úy tới những nơi ông được phái đi. Năm 1834 Vera em gái của Helena chào đời, về sau Helena nhớ lại rằng trong những năm đầu tiên, bà vú cho hai chị em là những binh sĩ phục dịch cho cha. Trong khoảng thời gian này, Helena và Vera thường được mẹ mang về nhà ông bà ngoại khi cha phải hành quân lâu. Ông ngoại Helena là Andrei Mihailovich Fadeyef được bổ nhiệm làm giám đốc  trông coi các bộ lạc du mục Kalmuk tại Astrakhan nên Helena có dịp làm quen với Phật giáo và các vị Lama từ năm 6 tuổi, vì người Kalmuk là Mông Cổ theo Phật giáo Tây tạng. Cũng từ đây gia sư được mời dạy tiếng Anh cho hai trẻ. Năm 1838 ông Fadeyef làm thống đốc tỉnh Saratov bên sông Volga, Helena và Vera cùng với mẹ đi theo ông bà ngoại đến nhiệm sở mới của ông tại thành phố Saratov. Năm 1840 mẹ sinh ra em trai Leonid cho Helena và Vera, nhưng bà mắc bệnh lao và yếu dần. Dầu vậy việc học của Helena và Vera được chăm sóc kỹ với thầy được mời dạy Helena dương cầm và Đức ngữ. Helena thì không thích tiếng Đức cho lắm mà thích chạy nhẩy khắp nơi, chui hàng rào từ vườn nhà này sang nhà khác dù bị cấm, thích trèo lên cây lê cao rồi la hét trên đó, rung cây làm trái lê rơi quanh Vera. Tháng sáu năm 1840 lúc Helena hơn 10 tuổi thì mẹ qua đời, ông Hahn nay lên chức đại tá rời quân ngũ sau đó. Ba trẻ nhỏ được mang về nhà ông bà ngoại ở Saratov rồi Tiflis, từ đây bà ngoại trông coi việc giáo dục ba cháu với ba cô giáo dạy Helena và Vera tiếng Pháp, Anh và Đức chung với bà dí Nadyezhda.
Helena chịu ảnh hưởng của bà ngoại Helena Pavlovna Dolgorouky trong tuổi thiếu niên, bà Helena có học thức cao khác với tập tục thời bấy giờ, giao thiệp rộng rãi với các khoa học gia cùng thời như Sir Robert Murchison, chủ tịch London Geographical Society, nhiều nhà thảo mộc học, địa chất học. Khi tìm ra một mẫu sò hóa thạch Sir Robert dùng tên bà đặt cho mẫu hóa thạch ấy, gọi là Venus–Fadeyef. Bà biết năm sinh ngữ, có năng khiếu về nghệ thuật, vẽ bướm và hoa rất khéo và về nhiều mặt là một phụ nữ có nhân cách đáng nói. Gia đình Fadeyef có tiếng trong vùng và tuy Helena Pavlovna không đi thăm ai, nhưng bà được quí chuộng đến mức người trong tỉnh luôn đến thăm viếng bà. Có nhận xét rằng bà là một khoa học gia vượt bậc, nếu sinh ở Âu châu thì hẳn sẽ rất có tiếng tăm, nhưng tại Nga giá trị về mặt khoa học của bà không được nhìn nhận.
Trở lại cô cháu ngoại của bà thì cách giáo dục cho nữ giới thời ấy khác với ngày nay. Giai cấp của gia đình Helena chú trọng nhiều vào sinh ngữ, mà không quan tâm lắm đến việc học toán hay những môn khác, bởi thiếu nữ thuộc dòng quí tộc không phải qua một kỳ thi nào, hay cần có bằng cấp, nghề nghiệp. Họ cũng không học nữ công gia chánh vì đã có nông nô lo chuyện trong nhà. Giáo dục cho các cô là để ăn nói trôi chảy trong phòng khách, bàn tiệc, buổi dạ vũ, chính yếu là nói và viết Pháp văn thông thạo, vì đây là ngôn ngữ giới quí tộc của Nga sử dụng. Thiếu nữ cần biết đọc chuyện và thơ Pháp ngữ, Anh ngữ, biết đàn dương cầm, biết vẽ và thêu thùa.
Từ thuở nhỏ Helena có khả năng kỳ lạ mà gia đình đều biết, như thấy vật hay người mà chỉ mình cô bé thấy, một trong những nhân vật này có hình dạng người Ấn uy nghi. Cô nhỏ cảm thấy quen thuộc với nhân vật như đó là thân nhân của mình, và mấy lần được nhân vật cứu khỏi tai nạn nguy hiểm. Thí dụ lúc còn là trẻ nhỏ, Helena rất muốn xem một bức tranh vẽ có phủ màn trắng treo cao trên tường. Helena năn nỉ người nhà kéo bức màn cho mình xem tranh mà không được, nên khi có dịp ở trong phòng một mình, Helena đẩy một cái bàn vào tường, đạt lên đó một cái bàn nhỏ, chồng thêm cái ghế bên trên rồi leo lên ghế, một tay vịn bức tường đầy bụi, tay kia vói kéo tấm màn. Helena mất thăng bẵng và không còn nhớ gì nữa. Khi tỉnh dậy bé gái thấy mình nằm trên sàn nhà không hề hấn, hai cái bàn và cái ghế được ai đó mang về chỗ cũ như trước, tấm màn được kéo che bức tranh trở lại, và bằng chứng duy nhất cho thấy chuyện đã xẩy ra, là vết bàn tay nhỏ bé còn in dấu trên tường phủ bụi bên dưới bức tranh. Chuyện khác là năm mười ba tuổi đang cỡi ngựa thì ngựa đâm ra sợ hãi, lồng lên bỏ chạy, Helena té khỏi yên nhưng chân còn vướng vào yên ngựa và bị kéo đi. Thay vì đầu va xuống đất và bỏ mạng, Helena cảm thấy có tay ai choàng ngang thân hình, đỡ lấy không chạm đất cho tới khi ngựa dừng lại.
Helena tính tình cương cường không chịu khuất phục ai khiến thầy cô mất kiên nhẫn. Cô học trò nhỏ không muốn tuân theo giờ giấc học cố định, nhưng lại tỏ ra có nhiều khả năng nhất là giỏi sinh ngữ và âm nhạc. Vera nhận xét chị mình Helena có đủ tánh tốt và tật xấu của chú bé trai năng động, thích phiêu lưu mạo hiểm, coi thường hiểm nguy và chẳng màng tới lời trách móc. Lúc sắp qua đời, Helena Andreyevna lo lắng cho tương lai con gái và nói như tiên tri: 'Thôi cũng may là mẹ chết trước và không phải chứng kiến việc gì sẽ xẩy đến cho Helena. Mẹ biết chắc một điều là đời của Helena sẽ không giống như các phụ nữ khác, và Helena sẽ phải đau khổ nhiều.'
Ở nhà ông ngoại Fadeyev, thân nhân thấy rằng Helena không giống ai, hết sức linh hoạt, vui tánh, gan dạ, vô cùng cứng cỏi. Nó khiến Helena nghĩ ra lắm trò phá phách không có yểu điệu thục nữ chút nào, đầy lòng hiếu kỳ và mê say muốn tìm hiểu về cái chết, cái bí ẩn, lạ lùng huyền hoặc nhưng trên hết thẩy là ý muốn độc lập, đòi hỏi tự do làm theo ý mình mà không ai hay không cái gì có thể kiếm soát. Helena cũng có óc tưởng tượng hết sức phong phú kèm với tính nhậy cảm kỳ lạ, hễ có chống đối dù rất nhẹ cũng làm Helena phản kháng mạnh mẽ, tới mức các cô giáo và người nhà thấy rằng chỉ cần bị cấm làm việc gì là lập tức Helena làm ngay chuyện ấy, bất kể hậu quả ra sao. Thí dụ cỡi ngựa thì từ nhỏ Helena cỡi ngựa Cossack ngồi hai bên, trong khi lề thói bấy giờ nói rằng phụ nữ cỡi ngựa ngồi một bên. Năm 13 hay 14 tuổi, cha dẫn con gái sang Anh, Helena đòi cỡi ngựa ngồi hai bên nhưng đại tá Hahn không cho, Helena làm trận làm thượng một màn, và đại tá Hahn thở phào nhẹ nhõm lúc hai cha con quay về Nga. Helena chẳng kể gì tới lời khen chê lúc nhỏ, và khi lớn thì không màng dư luận, tập tục xã hội, chống báng lại những đòi hỏi của thói đời, không để ai khuất phục mình mà thách thức mọi người, mọi vật. Dầu vậy từ thuở nhỏ Helena có nhiều thiện cảm và quan tâm đối với người ở tầng lớp thấp, cô bé luôn luôn thích chơi với con của gia nhân trong nhà hơn là với trẻ khác cùng giai cấp, và gia đình phải trông chừng luôn kẻo Helena lẻn ra nhập bọn với đám trẻ trai rách rưới ngoài đường. Khi lớn thì Helena dửng dưng với giới quí tộc mà cô và gia đình thuộc về.
Ý chí cứng cỏi của Helena được cho là truyền trong dòng họ Dolgorouky, không ai kềm chế được ý chí cô nhỏ và không gì ảnh hưởng được bản chất ngang ngạnh, dũng mãnh, bất trị của Helena ngoại trừ lòng nhân ái như thấy nơi bà ngoại. Nói khác đi chỉ có người thuộc dòng Dolgorouky tức bà ngoại thì mới chế ngự, hướng dẫn được người khác cũng thuộc gia tộc này. Bà dạy cô một bài học mà Helena nhớ mãi về sau. Trong những năm theo cha ở trong doanh trại, bé gái Helena được binh sĩ dưới quyền ông chìu chuộng nhưng khi về ở với ông bà ngoại, Helena được báo trước là tự do của cô nhỏ sẽ bị giới hạn rất nhiều. Một hôm Helena không được toại ý với bà vú, là người hầu trung thành lâu năm của ông bà ngoại và đánh vào mặt bà. Bà ngoại biết chuyện cho gọi cháu gái đến và Helena khai ra. Lập tức bà ngoại rung chuông trong dinh thự, tụ họp tất cả mấy chục người hầu trong nhà, khi có mặt đầy đủ mọi người, bà dạy cháu gái rằng cô không cư xử như thiếu nữ biết lễ nghĩa, khi đánh vào mặt người hầu mà không có lý do chính đáng, cũng như bà vú bởi là thân phận nông nô nên không thể tự bảo vệ mình, bà ra lệnh cho cháu gái xin lỗi bà vú, hôn tay người hầu để tỏ ý chân thành của mình.
Helena đỏ mặt, phản ứng đầu tiên là muốn chống bang, nhưng bà ngoại nói rằng nếu không vâng lời lập tức thì bà sẽ trục xuất khỏi nhà. Bà thêm là không một tiểu thư quí tộc chân chính nào lại không chịu sửa khi có lỗi với người hầu, nhất là với ai đã tận tụy một đời hết lòng phục dịch, được chủ nhân tin cẩn thương yêu. Bản tính rộng rãi và tốt bụng với người thuộc giai cấp thấp hơn mình, Helena òa khóc, quí xuống hôn tay bà vú già và xin lỗi. Về sau bà Blavatsky nói rằng chuyện này dạy cho bà là nguyên tắc đối đãi công bình, với người mà địa vị xã hội khiến họ không thể đòi hỏi người gây hấn cư xử chính đáng với họ.
Khi được để yên một chỗ không bị ngăn trở, Helena ngồi một mình trong góc tối thì thầm tự kể những chuyện tuyệt vời về du hành đến các ngôi sao xa và các thế giới khác. Dinh thự ở Saratov có nhiều ngõ ngách dưới hầm, phòng trống bỏ không nhiều năm, tháp canh và vô số hốc, kẹt bí hiểm, trông nó giống như tòa lâu đài hoang phế thời trung cổ. Người quản gia dinh thự trước đây có tiếng là tàn ác, đánh đập nông nô rồi xiềng xích họ nhiều tháng trong hầm tối. Vera kể rằng bọn trẻ được cho đi khám phá những ngõ ngách trong hầm nhà, có hàng chục đầy tớ trai tráng cầm nến, đèn lồng đi theo bảo vệ. Lũ trẻ tìm thấy những chai rượu vỡ thay vì xương người, mạng nhện giăng đây vướng quần áo và không thấy xiềng xích chi, tuy nhiên óc tưởng tượng khiến chúng nhìn ánh nến lay động trên tường đá ẩm thấp, và cho rằng hồn người chết hiện về. Mấy lần đi thám hiểm làm Helena tìm được chỗ an toàn để trốn học. Phải mất một thời gian lâu người ta mới khám phá ra bí mật của cô nhỏ, và mỗi lần vắng mặt Helena thì một nhóm gia nhân trai tráng lực lưỡng, có cảnh sát thuộc dinh thống đốc đi theo được phái đi tìm Helena, bởi cần có người không phải là nông nô và không sợ Helena, mới mang được cô nhỏ từ hầm lên nhà trên.
Helena dựng lấy một cái tháp cho mình trong góc bằng bàn ghế gẫy, sát cửa sổ có chấn song và cao tít gần nóc hầm. Cô nhỏ trốn ở đó hằng giờ mê mãi đọc chuyện. Vài lần Helena lạc lối dưới hầm, kẹt trong ngỏ ngách chằng chịt không biết đường ra, nhưng không hề sợ hãi hay hối hận, nói chắc với lũ trẻ rằng mình không hề ở đó một thân một bong, mà luôn luôn có bạn chơi chung, sôi nổi trò chuyện với ai đó chỉ Helena thấy, còn thì vô hình với mọi người khác.
Vera nói rằng Helena có tính khí rất lạ lùng, khi thì nghĩ ra đủ trò quậy phá không ai bằng, và hết cơn phá phách thì học hành hết sức chăm chỉ, chúi mũi vào sách trong thư viện của ông bà ngoại ngày đêm, cho tới khi chán và quay sang chuyện khác. Ngay từ lúc còn rất nhỏ Helena kể hằng giờ cho các em và luôn cả người lớn, những chuyện thật khó tin nhưng với thái độ vững vàng như của nhân chứng nhìn tận mắt, của người biết rõ mình đang nói gì.
Mặc dầu vậy, Helena có những sở thích khác đời. Nhà của ông ngoại là dinh thự lớn, rộng, xung quanh có vườn đầy những khe, ngách bí hiểm, có hồ nước và kế vườn là khu rừng tối đen thoai thoải dốc xuống bờ sông Volga. Helena cảm được sự sống kỳ bí trong thiên nhiên chung quanh mình, cô nhỏ thường trò chuyện với chim và thú vật, và khi mùa đông tới không thể chạy chơi bên ngoài, cô nhỏ khám phá là phòng làm việc của bà ngoại là một thế giới khác cũng hết sức thú vị. Dinh thự thống đốc có một nơi dành riêng cho bộ sưu tập các vật thiên nhiên của bà ngoại, nổi tiếng trong nước Nga thời đó gồm các vết tích về cây cỏ, thú vật và đồ cổ. Trong đó cất nhiều vật lạ lùng như thú vật nhồi bông, đầu gấu hay cọp nhe nanh hăm dọa, trên tường có gắn những con chim bé tí ngộ nghĩnh dễ thương sặc sỡ đủ mầu, có cú vọ, diều hâu, kên kên và tít trên trần nhà là một con chim đại bàng xòe đôi cánh rộng oai nghi. Lại cũng có một con hồng hạc mầu trắng vươn cái cổ dài làm như thể nó là vật sống. Khi đám trẻ vào phòng chúng hoặc ngồi lên lưng con ngựa dồn bông hay con hải cẩu trắng, và tưởng tượng như những con vật này bắt đầu chuyển động. Helena sẽ kể nhiều chuyện thật lôi cuốn mà cũng rùng rợn, đặc biệt về con hồng hạc trắng. Những lúc không thấy cô nhỏ đâu và cả nhà đi tìm cả mấy tiếng đồng hồ, thì gặp Helena đang say sưa trò chuyện với con hải cẩu và cá sấu nhồi bông, nói rằng mấy con thú này kể cho mình nghe đủ chuyện thích thú về đời của chúng, còn chim bồ câu nuôi trong nhà thì khẽ nói vào tai Helena bao nhiêu là chuyện thần tiên.
Thiên nhiên đối với Helena có sự sống riêng linh động của nó. Helena bảo nghe được tâm tình của mọi vật mọi hình thể dù sống hay chết, thấy những lực huyền bí ở nơi chỉ mình Helena thấy và nghe, còn đối với ai khác thì chỉ là khoảng không trống vắng, hay là vật vô hồn là hòn sỏi, ngọn đồi hay mảnh gỗ mục. Cách biệt thự của thống đốc vài trăm thước là một bãi cát rộng, hiển nhiên là đáy biển hay đáy hồ xưa kia, vì trong đất có những mẫu cá, vỏ sò, răng thú vật hóa đá. Phần lớn các cổ vật này đã vỡ vụn sứt mẻ theo với thời gian. Helena có vô số chuyện để kể về thời đại xa xưa này. Vera nhớ lại rằng Helena nằm dài trên đất, hai tay nâng cằm, cùi chỏ lún sâu vào cát, mơ màng kể lớn tiếng chuyện ngày xửa ngày xưa, thấy trước mắt thật rõ ràng, sống động như sờ sờ ra đó. Helena tả lại thật nên thơ cảnh sống dưới biến của những con vật này, kể như thật những cuộc tranh dành đánh nhau ở nơi cô nhỏ đang nằm, đoan chắc với lũ trẻ là mình thấy hết các trận ấy, lấy ngón tay vẽ lên cát hình dạng kỳ dị của những con thủy quái đã chết từ lâu, làm bọn trẻ gần như thấy được mầu sắc của thú vật và thảo mộc xưa kia trong vùng. Helena có tài lôi cuốn người nghe theo mình, làm họ như thực sự thấy điều mà chính cô nhỏ thấy. Khi nghe mô tả về những lượn sóng xanh dịu dàng, phản ảnh tia nắng mặt trời lên cát vàng dưới đáy biển, dãy san hô và động dưới nước có thạch nhũ, hay rong biển lá xanh phất phơ, xen lẫn những con sao biển mỏng manh lấp lánh, lũ trẻ tưởng như sóng biển êm ái mát lạnh đang mơn trớn thân hình, óc tưởng tượng của chúng bay bổng theo lời thêu dệt của Helena, và quên hoàn toàn thực tại.
Có lần Helena làm lũ trẻ sợ mất hết hồn vía. Chúng đang say mê lạc vào cảnh thần tiên theo lời kể chuyện, thì Helena đột nhiên đổi chuyện từ quá khứ sang hiện tại, bảo chúng tưởng tượng là những lượn sóng mát, xanh đầy tôm cá nay bao trùm chung quanh:
– Nhìn kìa, kìa, sóng đang tràn tới, nước bao bọc tụi mình. Mình đang ở sâu dưới nước !
Helena ngồi nhổm dậy trên cát, nói như thật, giọng nói đầy vẻ kinh ngạc, hoảng hốt, nét mặt trẻ thơ lộ sự kinh hoàng, và thình lình đưa hai tay lên che mắt như hay làm lúc bị khích động, Helena ngã xuống cát gào lớn:
– Sóng tới kìa. Biển ngập, tụi mình chết đuối hết !
Lũ trẻ té xuống, úp mặt la hét như tin rằng nước phủ kín cả bọn và không còn ai sống sót.
Helena cũng thích chiều tối đưa lũ trẻ vào phòng rộng, tối đen nơi cất giữ thú nhồi bông của bà ngoại và kể chuyện dựng tóc gáy cho chúng nghe, bảo rằng mỗi con thú trong phòng kể chuyện đời mình cho cô bé.
Đây là gia đình theo Thiên Chúa giáo, vậy Helena nghe thuyết luân hồi ở đâu, hay ai có thể nói về thuyết này cho cô nhỏ biết ? Dầu vậy, Helena nằm dài lên con vật ưa thích của mình là con hải cẩu khổng lồ nhồi bông, vuốt ve làn da mềm, trắng trơn của nó và kể cho lũ trẻ nghe những cuộc phiêu lưu của con hải cẩu đầy mầu sắc, quyến rũ làm trẻ nhỏ cũng như người lớn say mê, nhất là lũ trẻ tin như thật từng chữ Helena thốt ra.
Helena cũng thích nghe chuyện người khác kể. Trong số gia nhân có một bà vú già biết nhiều chuyện đời xưa làm bọn trẻ rất thích, buổi tối chúng đeo quanh bà năn nỉ được nghe kể những chuyện thần tiên. Nghe rồi thì tất cả quên đi nhưng Helena không hề quên, cũng không tin rằng đó chỉ là tưởng tượng, mà bảo những chuyện phiêu lưu mạo hiểm tuyệt vời nhất là có thật, như người ta có thể biến thành thú vật, hay bất cứ hình thể nào họ muốn nếu biết cách, hay có thể bay nếu ước muốn thật mạnh. Helena đoán chắc với lũ trẻ rằng tiên thánh lúc nào cũng hiện diện, ngay bây giờ cũng có và chỉ lộ ra cho ai xứng đáng thấy họ, ai chịu tin mà không cười chê, và cô nhỏ đưa tay chỉ một ông cụ trăm tuổi, sống trong rừng gần dinh thự làm thí dụ. Dân chúng trọng ông như người biết phép thuật, vì ông sẵn lòng chữa bệnh cho tất cả những ai đến cầu cứu, mà cũng khiến ai làm ác mắc bệnh để trừng phạt. Ông cụ nuôi rất nhiều ong, chung quanh nhà đầy những tổ ong. Mỗi khi ra thăm ong người ông cụ phủ đầu ong từ đầu đến chân, ông thọc cả hai tay vào tổ không ngần ngại, lắng nghe ong vo ve điếc tai và dường như trả lời lại. Ong gần như ngưng vo ve mỗi khi ông nói thứ tiếng riêng với chúng mà chỉ có ông hiểu, nói lầm thầm như hát. Thấy rõ là ong và ông cụ trăm tuổi hiểu được ngôn ngữ của nhau.
Lần nào đến thăm Helena cũng hỏi đủ thứ chuyện, để chăm chú nghe ông cụ giải thích làm sao hiểu được ngôn ngữ của ong, chim và thú vật, còn ông thì tiên đoán với lũ trẻ:
– Cô gái này khác hẵn các con, nhiều chuyện vĩ đại sẽ đến với cô sau này. Tiếc là già không sống lâu để thấy được những việc này nhưng chúng sẽ tới.
Năm 1847 ông ngoại Fadeyef được bổ làm giám đốc bộ thổ trạch vùng Transcaucasia, gia đình ông bà cùng ba cháu đến Tiflis nơi đặt nhiệm sở của ông. Trong tuổi thiếu niên Helena thích chọc phá, cười đùa gây huyên náo, và vẫn còn tính cứng cỏi không chịu khuất phục ai, sinh ra lòng chán ghét tập tục xã hội. Cô không thích trang phục lộng lẫy, lượt là, xã hội với lời ăn tiếng nói trau chuốt nhưng giả dối, và cũng không thích dạ vũ. Lòng chán ghét này được lộ rõ khi năm 16 tuổi bị ép buộc phải dự buổi dạ vũ lớn, Helena phản đối không muốn đi nhưng người lớn trong nhà không thuận, bảo rằng nếu cô không chịu thì sẽ gia nhân sẽ thay y phục cho cô để đi dự. Nghe vậy Helena cố ý ngâm chân vào chậu nước nóng, lâu tới mức phỏng chân phải ngồi nhà 6 tháng.
Helena lập gia đình với ông Nikifor Vassilyevich Blavatsky 40 tuổi năm cô 17 tuổi (7–1848). Về sau này những người thân cận với Helena đưa ra các lời giải thích khác nhau về chuyện ấy. Bà dì Nadyezhda viết:
– Cô gia sư một hôm nói rằng Helena sẽ không kiếm được tấm chồng với tính tình và thái độ của mình, và thêm rằng ngay cả ông Blavatskỵ lớn tuổi mà Helena chê là xấu, bảo ông như 'con quạ trụi lông', cũng không muốn lấy Helena làm vợ. Thách thức như vậy là đủ. Ba hôm sau Helena nói sao đó làm ông Blavatsky ngỏ lời cầu hôn và Helena nhận lời. Rồi thiếu nữ kinh hoàng với chuyện mình làm và tím cách rút lui nhưng đã trễ.
Tuy nhiên một nhận xét nữa lại nói rằng có động cơ khác cho việc Helena thành hôn, đó là vào khoảng thời gian này tại Tiflis, có hoàng thân Galitzyne thường đến chơi nhà ông bà ngoại Fadeyef. Hoàng thân được xem là người hiểu biết nhiều về huyền thuật magic, trò chuyện mật thiết với Helena, nên có thế đã gieo cho Helena ý tưởng muốn tìm hiểu nhiều hơn về huyền bí học, và gián tiếp đưa đẩy tới việc cô dâu Helena bỏ nhà ra đi.
Bà Blavatsky cũng ghi rằng mình nhận lời cầu hôn để đáp trả lại lời thách đố của cô gia sư. Người khác quen thân với gia đình Helena thì cho rằng nó là ý Helena muốn được tự do hơn, nghĩ rằng khi lập gia đình sẽ thoát được những gò bó, trói buộc đối với một thiếu nữ trong xã hội bấy giờ. Ta biết được đích xác thời gian hôn lễ, vì Vera ghi rằng tám ngày trước hôn lễ cậu em họ Serguey Yulyevich de Witte sinh ra, sau này là thủ tướng của Nga. Serguey là con của bà dì Catherine, em gái của mẹ Helena.
Ông Blavatsky khi đó là phó thống đốc tỉnh Yerivan, nay là thủ đô nước Armenia, thuộc dòng họ có tiếng. Dầu vậy khi hôn lễ cử hành và theo thủ tục, giáo sĩ nhắc đến bổn phận người vợ là 'quí trọng và tùng phục chồng' thì Helena nói nhỏ 'Chắc chắn tôi không làm vậy'.
Sau hôn lễ Helena tìm cách bỏ đi nhưng không được, vì chung quanh có gia nhân trông nom kỹ, mãi đến ba tháng sau cô mới có dịp lấy ngựa quay trở về nhà ông bà ngoại ở Tiflis. Gia đình bàn tính, và quyết định gửi Helena về cho cha lúc ấy đang ở St Petersburgh. Ông dàn xếp cho Helena tới Odessa trên bờ Hắc Hải gặp mình. Trên đường đi tới đó tầu phải ghé vài nơi, Helena nại cớ cho gia nhân lên bờ trước để xếp đặt chỗ cư ngụ còn mình ở lại chờ trên tầu đến sáng, nhưng đêm hôm ấy tầu ra đi mang theo Helena sang Thổ Nhĩ Kỳ, và Helena bắt đầu chuyến du lịch dài, 10 năm sau mới trở về Nga.

Du Lịch Thế Giới

Tại Constantinople, Helena gặp được người quen và cùng với họ sang Cairo. Sự việc có vẻ ngẫu nhiên này được xem là không hẳn vậy, mà có thể do hoàng thân Galitzyne xếp đặt sau khi biết ý định muốn học hỏi huyền bí học của Helena, để giúp cô toại ý. Helena tiếp xúc được với một huyền bí gia có tiếng tại Cairo khi ấy là Paulos Metanon, có sách cho đây là chân sư S. của Ai Cập, và chứng kiến vài hiện tượng lạ, thí dụ như có lần chịu ảnh hưởng của huyễn tưởng hay Maya. Khi ấy Helena đi trong sa mạc với chân sư và tối đến dừng chân nghỉ đêm, cô tỏ ý muốn được uống tách café au lait như ở Pháp. Chân sư đáp:
– Được lắm, nếu con thích như vậy.
Ngài đi tới túi da chứa nước treo trên lạc đà, lấy nước và khi quay trở về lều thì trên tay có tách nước tỏa khói thơm ngào ngạt mùi cà phê sữa. Tự nhiên Helena nghĩ đây là hóa phép tạo hiện tượng vì biết ngài có nhiều quyền năng, cô cám ơn rối rít và hân hoan uống tách cà phê nóng, khen rằng chưa bao giờ uống được cà phê như vầy, ngon hơn ở cửa hàng Café de Paris. Chân sư không nói gì chỉ cúi nhẹ người và đứng như muốn chờ lấy lại tách, trong khi đó Helena vừa nhấp cà phê vừa vui vẻ trò chuyện, nhưng đột nhiên cô thấy là cà phê biến mất mà không có gì khác hơn là nước thường trong tách. Nãy giờ tách vẫn chỉ có nước nhưng Helena chìm trong huyễn tưởng, cho rằng mình đang uống, ngửi và nhấm nháp cà phê Mocha.
Sau Ai Cập Helena đi qua vùng mà ngày nay là Lebanon, sau đó là châu Phi, và cũng gặp được nhiều nhân vật kỳ lạ với quyền năng khác thường, ta có thể nói là Helena khởi đầu cho việc đi tìm các hoạt động về huyền bí học từ đây. Ở Lebanon khi đến thăm cảnh điêu tàn với phế tích trong vùng hoang vắng, một thuật sĩ (magician) làm cho bạn đồng hành với Helena và cô thấy lại cảnh tượng xưa kia, khi nơi này là đô thị rộng lón mút tầm mắt với đền đài hùng vĩ. Rồi hình ảnh mờ dần, chỉ còn lại phế tích là dấu vết của đền thờ xưa, ẩn hiện trong nhang khói mà thuật sĩ đốt lên, và tiếng sủa của linh cẩu từ xa vọng về.
Helena không viết nhật ký, nên người sau khó có thời gian chính xác cho những diễn biến, từ sau cuộc hôn nhân năm 1848 đến khi qua Mỹ năm 1873, vì vậy ta phải dựa vào lời kể của một số nhân vật có dịp tiếp xúc với Helena trong thời gian đó. Có vẻ như Helena sang Anh năm 1851, và gặp thầy của mình là đức M. lần đầu tiên tại đây. Đại tá Hahn, cha của Helena, gứi chi phí tài trợ những cuộc hành trình này cho con, và đó hẳn phải là tài trợ đáng kể, vì khách sạn mà bà cư ngụ là khách sạn nổi tiếng khi ấy (gọi là Mivarts Hotel) cũng như hiện nay (đổi tên thành Claridge's), và năm 1851 đông đảo du khách tới London dự cuộc đại triển lãm nghệ thuật và thương mại, mà nổi bật nhất là dinh pha lê (Crystal Palace), một công trình vĩ đại bấy giờ.
Helena thuật rằng đức M. tới London như là một nhân vật trong phái đoàn của thứ tướng Nepal, sang thăm nữ hoàng Victoria năm ấy, nhưng khi tính lại thì báo chí tường thuật phái đoàn Nepal yết kiến nữ hoàng năm 1850, còn cuộc đại triển lãm diễn ra năm sau. Vì vậy có ý kiến cho rằng H.PếB. khi viết lại chuyện xưa đã tưởng là hai việc xẩy ra cùng lúc. H.P.B có thói quen sau này rất có ích cho người tra cứu đời bà, là có những tập ký sự (scrapbook) chứa đựng nhiều chi tiết, cho phép ta xếp đặt lại chuyện cũ khá chính xác. Đó không phải là nhật ký, mà là tập lưu lại bằng cớ những chuyện liên quan đến bà hay đến hội sau này. Thí dụ như các bài báo H.P.B đã viết được cắt, dán vào tập có lời chú thích đôi khi hài hước của bà bên cạnh, hay tranh do bà vẽ.
Nữ bá tước Watchtmeister, một trong những người thân cận với H.B.P. vào mấy năm cuối đời bà, ghi rằng theo lời kể của H.P.B. năm 1885–6 thì tại London năm 1851, bà tình cờ gặp một người Ấn Độ cao lớn đi cùng với vài hoàng thân Ấn Độ (nữ bá tước viết thêm rằng bà cũng có mặt tại Anh cùng lúc, và nghe chuyện là các nhân vật trong phái đoàn Nepal rất đường bệ, đặc biệt một người thuộc nhóm này rất cao lớn). Helena lập tức nhận ra đó chính là nhân vật mình thường hay gặp trong thể tình cảm từ lúc nhỏ. Cô muốn chạy đến chào nhưng ngài ra dấu cô đứng yên, và Helena đứng như trời trồng khi ngài tiếp tục đi.
Qua hôm sau Helena đi dạo công viên Hyde Park, để trong cảnh vắng vẻ ngẫm nghĩ về cuộc du hành lạ lùng của mình, ngẩng đầu lên cô thấy ngài đang tiến lại. Trong cuộc nói chuyện tiếp sau đó, chân sư cho Helena hay là ngài đến London cùng với các hoàng thân Ấn Độ vì một chuyện quan trọng, và ngài muốn gặp chính cô vì cần sự hợp tác của cô trong phần việc ngài sắp làm. Chân sư cho Helena hay việc sẽ thành lập hội và muốn cô là người thực hiện điều ấy, ngài vạch sơ ra tất cả những vấn đề cô sẽ phải gặp, cũng như cô phải sang Tibet ba năm để được huấn luyện cho công việc quan trọng này.
Một thời gian sau khi H.P.B. kể chuyện trên, bà dì Nadyezhda gửi sang H.P.B. một bưu kiện nhiều món, nữ bá tước soạn các món đưa cho H.P.B. thì thấy có một tập ký sự, mở ra H.P.B. vui mừng reo lên, gọi bà tới xem đoạn viết ngày gặp chân sư nguyên văn bằng Pháp ngữ:
– Nuit mémorable! Certaine nuit au clair de la lune qui se couchait à Ramsgate 12 Août: 1851 lorsque je rencontrais M, le Maître de mes rêves !! Le 12 Août c'est Juillet le 31 en style russe, jour de ma naissance –Vingt ans !
(Đêm đáng nhớ! Đêm trăng sáng lúc trăng lặn tại Ramsgate 12 - 8 - 1851 khi được gặp đức M, vị chân sư trong mơ ước của tôi. 12 tháng tám 1851 là 31 - 7 theo lịch cũ của Nga, sinh nhật tôi 20 tuổi !)
Tập ký sự này hiện lưu trữ tại văn khố của hội ở Adyar. Đọc hàng chữ trên nữ bá tước hỏi H.P.B. là tại sao ghi Ramsgate mà không phải London, thì được cho biết ghi như thế để che mắt, khiến ai tình cờ đọc sẽ không biết nơi chốn thật của sự việc (xin đọc thêm Fuller).
Vào mùa thu 1851 Helena rời Anh đi Canada, Hoa Kỳ, Mexico, Peru, được nghe kể nhiều chuyện lý thú về nền văn minh xưa của người bản xứ, chẳng hạn như một kho tàng vô giá còn chôn kín trong lòng núi giữa Peru và Bolivia, và chỉ được khám phá khi mọi vết tích cai trị của Tây Ban Nha biến mất khỏi trọn bắc và nam Mỹ. Helena sang Ấn Độ lần thứ nhất năm 1852 với ý muốn vào Tibet, nhưng lần đầu tiên tìm cách vào Tibet này bất thành (1853), Helena đành quay xuống miền nam nước Ấn. Ta không có chi tiết đáng tin về hoạt động của H.P.B. sau đó, tuy nhiên Vera kể rằng trong năm 1853 - 54 Helena ở tại Anh, và là nhạc sĩ trong ban hòa tấu Philharmonic Society of London. Những người quen thân Helena vào giai đoạn này hay giai đoạn khác trong đời Helena, đều nói chung một điều rằng bà chơi dương cầm rất tài giỏi. Vào tháng sáu 1854 Helena gặp được chân sư lần nữa khi ngài qua Anh, theo phái đoàn của một thân vương Ấn, nghiên cứu cho thấy đó có lẽ là hoàng thân Dhuleep Singh Maharạịa của Lahore đến hội kiến nữ hoàng Victoria. Trong cuộc gặp gỡ này ngài cho hay vận mạng của cô nằm ở đất Ấn, 'nhưng đó là chuyện 28, 30 năm sau'.
Helena sang New York mùa hè 1854, đi xuống California, Mexico rồi nam Mỹ, năm 1855 sang Nhật và trở lại Ấn lần thứ hai, tìm cách vào Tibet năm 1856 qua ngã Kashmir. Sách vở ghi rằng năm 1893 ông Olcott gặp một cựu tướng Anh tại Ấn Độ đã hồi hưu. Viên tướng này cho hay đã cầm giữ Helena lại, khi cô tìm cách sang Tibet qua ngã Nepal khoảng 1854 hay 55 lúc ông là đại úy vùng biên giới. Anh bấy giờ đang cai trị Ấn, lệnh cấm nói rằng không một người Âu châu nào được băng qua sông Rungit, vì gần như chắc chắn là họ sẽ bị bọn cướp trong vùng sát hại. Viên tướng nhớ lại là Helena rất tức bực vì bị giữ lại, và rồi sau đó bỏ đi khắp nước Ấn. Nghiên cứu thấy là hồi tưởng trên không đúng lắm vì tra lại văn kiện, người ta thấy rằng sĩ quan này có nhiệm vụ canh phòng biên giới là từ tháng 10 - 1855 đến tháng 3 - 1856, tức trong khoảng thời gian Helena tìm cách vào Tibet lần thứ hai (1856) mà không phải thứ nhất, và lần này cũng không thành công. Tuy không tới được nơi ngài cư ngụ, nhưng Helena ghi rằng việc huấn luyện về huyền bí học cho mình bắt đầu từ năm 1856 khi dong ruổi qua trên đất Ấn, và năm 1857 Helena vâng lời ngài rời khỏi Ấn, trước khi có cuộc nổi loạn xẩy ra nơi này vào tháng 5 - 1857.
Helena đi Java, đông nam Á, qua Mỹ, sang Pháp, Đức và trở về Nga. Tính ra cô rời nước 10 năm, và có ý kiến nói rằng Helena vắng nhà thời gian dài như vậy, là do luật Nga lúc bấy giờ đòi hỏi hai vợ chồng phải ly thân 10 năm mới được phép ly dị. Về những chuyến du hành của Helena, ta có thêm một nhân chứng năm 1900. Một người Ấn du lịch Trung Hoa gửi thư cho bạn, nói rằng khi trò chuyện với các lama trong vùng mà họ đi qua, họ được biết là bà Blavatsky đã có lần đến thăm nơi này và tham thiền ở đây một thời gian. Đây là vùng núi non có nhiều hang động, cảnh trí xinh đẹp và là nơi ưa chuộng của các lama.

CHƯƠNG II
Trở Về Nga

Helena trở về Nga vào ngày 6 - 1 - 1859 là ngày giáng sinh theo Chính Thống giáo, đoàn tụ cùng cha là đại tá Hahn và gia đình tại Pskoff, cách thủ đô St. Petersburg 180 cây số về phía tây gần biên giới với Estonia, ở trang trại gia đình cha chồng của Vera là tướng Yarmontoff. Nghe tiếng chuông cửa Vera đột nhiên tin rằng đó là Helena, chạy ùa ra không để cho người quản gia mở cửa mà tự mình làm, và mừng rỡ đón chị nhưng thắc mắc làm sao Helena biết cả nhà đang ở nơi đây. Ngay từ buổi tối hôm ấy Vera nhận thấy là Helena đã sở đắc những quyền năng khác lạ. Dù thức hay ngủ chung quanh Helena luôn có nhiều tiếng động lạ lùng, chuyển động kỳ bí, có tiếng gõ từ mọi hướng như trên bàn ghế, thành cửa sổ, trần nhà, sàn nhà, và trên tường. Tiếng gõ thật hiển hiện là có sự thông minh trong đó, như ba tiếng là 'có', hai tiếng là 'không'. Helenna bảo hiện tượng phát ra không do ý muốn của mình, nhưng cô có thể dùng ý chí điều khiển nó xẩy nơi này hay nơi khác, và cũng có thể làm cái khó hơn là giảm bớt hay ngưng nó lại. Khi được hỏi là nguyên nhân nào sinh ra hiện tượng thì cô trả lời 'Tinh linh'.
Gia đình của Helena giao thiệp rộng nên có nhiều khách đến chơi, sự hiện diện của Helena lôi cuốn đông người ghé thăm, đạt câu hỏi để nghe tiếng gõ trả lời, có khi là một câu dài bằng những thứ tiếng khác nhau trong đó có tiếng Helena không biết. Vera kể lại cảnh tượng những buổi ấy, là Helena chịu để cho mình bị thử nghiêm mọi cách dù là kỳ quặc thế mấy, để chứng tỏ cô không dùng xảo thuật để sinh ra hiện tượng. Cô ngồi yên lặng trên ghế trường kỷ hay trên ghế bành thêu may, không tỏ vẻ quan tâm gì và dường như không để ý chút nào, hay dự phần tích cực vào cảnh hào hứng mà cô tạo ra chung quanh mình. Một người khách nghe tiếng gõ tính ra mẫu tự, người khác ráp lại thành câu trả lời, còn những người khác thì đặt câu hỏi trong trí và luôn luôn được trả lời mau lẹ. Trong lúc ấy khách chung quanh thảo luận sôi nổi lớn tiếng, đôi khi tỏ ra ngờ vực hay chê bai nhưng Helena kiên nhẫn và thản nhiên nghe, chỉ cười nhẹ hay nhún vai thay cho trả lời.
Để mọi người không còn cớ chi nghi hoặc, Helena thuận theo cả những đòi hỏi ngu ngốc nhất như để cho mình bị lục soát, có dây cột tay chân. Để trả đũa thỉnh thoảng Helena chọc phá ai tỏ ý nghi ngờ mình, thí dụ có lần tiếng gõ phát ra từ bên trong kính đeo mắt của một giáo sư, trong khi Helena thì ngồi phía bên kia phòng. Tiếng gõ mạnh tới nỗi làm rơi kính khỏi mũi giáo sư khiến ông tái mặt kinh hoảng. Lần khác khi một phụ nữ ưa làm điệu bộ và kiêu hãnh, hỏi rằng vật gì tốt nhất để sinh ra tiếng gõ, và có phải là hiện tượng xẩy ra ở đâu cũng được hay sao; câu trả lời tỏ ra lạ lùng và khó hiểu. Người ta ráp tiếng gõ lại thành chữ 'Vàng', và tiếp theo là câu 'Sẽ chứng tỏ cho bà ngay lập tức'. Thiếu phụ giữ nụ cười trên môi miệng hơi hé mở, nhưng câu trả lời vừa đưa ra thì mặt bà hóa tái nhạt và nhẩy dựng khỏi ghế, tay bịt lấy miệng, gương mặt nhăn nhó tỏ vẻ kinh ngạc, sợ hãi. Tại sao ? Vì bà cảm thấy tiếng gõ trong miệng như thú thật sau đó, còn những người chung quanh nhìn nhau đây ý nghĩa. Ngay cả trước khi bà thú nhận, ai nấy biết rằng bà cảm thấy có tiếng nốc mạnh và tiếng gõ trong vàng của chiếc răng giả, và khi bà đứng dậy vội vàng ra khỏi phòng thì mọi người phá ra cười ầm ĩ.
Như chuyện thường thấy, những ai thân thiết gần gũi nhất với Helena là người nghi ngờ hơn ai hết khả năng huyền bí của cô. Cậu em trai Leonid và cha cô không tin vào chứng cớ lâu hơn bất cứ ai, cho tới khi cuối cùng, lòng nghi ngờ của Leonid bị lung lay mạnh mẽ do chuyện sau. Phòng khách hôm ấy đông đầy khách đến chơi, người đánh đàn, kẻ khác chơi bài nhưng đa số thì bàn tán về hiện tượng. Leonid không chú tâm vào một chuyện gì đặc biệt mà chậm rãi đi quanh phòng, nhìn ngắm mọi người mọi chuyện. Cậu là thanh niên mạnh mẽ, bắp thịt săn chắc đang học đại học, và chẳng tin ai hay tin chuyện gì. Cậu đứng lại sau lưng ghế của bà chị lớn, lắng nghe chị kể chuyện là người đồng có thể làm cho vật hóa nặng tới mức không sao nhấc lên được, hay làm cho vật bình thường nặng bỗng hóa nhẹ lạ lùng. Thanh niên ngạo nghễ hỏi chị:
– Rồi chị cho là mình có thể làm được vậy ư ?
– Người đồng làm được còn chị thỉnh thoảng cũng làm, nhưng không phải lúc nào cũng thành công... để thử coi. Chị sẽ nhắm vào cái bàn nhỏ này xem sao. Ai muốn thử thì tới nâng lên bây giờ, rồi thử nâng trở lại sau khi chị làm cho bàn nặng thêm.
– Chị không đụng tới cái bàn chứ ?
– Chị đụng làm gì ? Helena trả lời và cười nhẹ.
Nghe lời khẳng định kỳ lạ đó, một thanh niên bước thẳng tới cái bàn nhỏ dành để chơi bài chỉ có một chân, nhấc nó lên nhẹ như không.
– Được lắm, Helena nói, bây giờ xin vui lòng để yên bàn và đứng lui lại.
Ai nấy vâng lời lập tức và phòng yên lặng hoàn toàn. Mọi người nín thở, hồi hộp xem Helena sẽ làm gì kế đó. Cô chỉ nhìn đăm đăm với đôi mắt to vào cái bàn nhỏ, tia mắt thật mạnh. Rồi không rời mắt khỏi vật cô yên lặng đưa tay mời thanh niên trên thử nâng bàn. Anh lại gần nắm lấy chân bàn đầy tự tin và nhấc lên, nhưng không sao làm nó nhúc nhích ! Thanh niên dừng lại nói chậm rãi:
– Hay thiệt!
– Hay đó! Leonid hùa theo, nhưng nghi là thanh niên đồng tình với chị mình để lừa khách, nên cậu đột nhiên hỏi chị:
– Em thử được không ?
– Cậu làm đi, bà chị vừa cười vừa nói.
Cậu em đi tới miệng mỉm cười, đưa cánh tay rắn rỏi nắm lấy chân bàn nhưng lập tức nụ cười biến mất và gương mặt lộ vẻ kinh ngạc không thành tiếng. Thanh niên lui lại một chút nhìn ngắm kỹ cái bàn đánh bài quen thuộc, đá một cái thật mạnh nhưng cái bàn nhỏ vẫn không nhúc nhích. Đột nhiên cậu áp ngực vào bàn, vòng hai tay ôm lấy nó tìm cách lắc. Gỗ kêu răng rắc nhưng vẫn đứng yên không chuyển động, làm như ba chân bàn có vặn ốc dính chặt xuống sàn nhà. Leonid không hy vọng nữa và buông tay, bước qua bên, nhăn trán miệng lẩm bẩm hai chữ:
–Lạ chưa...!
Cuộc bàn tán sôi nổi lớn tiếng thu hút nhiều khách từ phòng khác tụ lại nơi đây. Nhiều người, già cũng như trẻ, thử nhấc hay tìm cách làm cái bàn nhúc nhích nhưng nó vẫn trơ trơ, không ai thành công cả. Nhìn thấy cậu em kinh ngạc và có lẽ muốn cậu mất hẳn sự ngờ vực, Helena thản nhiên cười và nói:
– Bây giờ thử nhấc cái bàn lần nữa xem sao!
Leonide ngần ngừ đi tới, nắm lấy chân bàn đẩy mạnh lên, thiếu chút nữa bị trặc tay vì dùng sức quá mạnh không cần thiết, lần này cái bàn nhấc lên như lông chim nhẹ hẫng!

Đai Tá Hahn
Vài tháng sau Vera lên thủ đô St. Petersburg lo công chuyện và Helena cùng cha đi theo, cả gia đình ngụ tại Hôtel de Paris. Tại thủ đô gia đình gặp gỡ bạn bè, và một buổi tối hai người bạn già trong quân ngũ của đại tá Hahn đến chơi. Họ rất để ý phong trào Thông linh học (Spiritualism) đang có và cố nhiên muốn được thấy hiện tượng. Sau khi chứng kiến vài điều lạ lùng, khách tỏ ý kinh ngạc và không biết nghĩ sao về quyền năng của Helena, họ cũng bảo không hiểu hay giải thích được sự dửng dưng của đại tá Hahn đối với những hiển hiện này. Nói về cha của mình Vera ghi rằng ông rất thông minh, hiểu biết rộng và là người hoài nghi cái khác thường từ trước đến nay. Ông là mẫu người mà người Nga gọi là 'Voltarian'. Tối hôm ấy ông thản nhiên ngồi chơi bài một mình, trong khi các hiện tượng kỳ lạ xẩy ra chung quanh. Khi nghe hai bạn tỏ ý thắc mắc về thái độ của mình, đại tá đáp rằng nó chỉ là chuyện tầm phào, và ông không muốn nghe cái vớ vẩn như thế. Lời chê bai này không làm hai vị khách lớn tuổi mất hứng, mà trái lại họ khăng khăng rằng đại tá Hahn nên vì tình bạn mà thử làm thí nghiệm xem sao, trước khi bác bỏ hiện tượng con gái ông làm là không quan trọng, hay là cái không thể nào có được.
Hai người bạn đề nghị ông thử những cái vô hình và quyền năng của chúng, bằng cách sang phòng khác viết một chữ không cho ai thấy, rồi yêu cầu tiếng gõ nhắc lại. Ông cụ chắc nhiều phần tin rằng mình sẽ thắng cuộc, và sẽ có dịp cười hai người bạn già hơn là muốn làm họ vui lòng, nên cuối cùng chấp thuận. Để lại những lá bài trên bàn, ông sang phòng bên cạnh viết một chữ vào mảnh giấy bỏ vào túi, sau đó ông trở lại với bộ bài và yên lặng chờ đợi, cười mỉm với hàng râu xám trên mép. Một ông khách nói.
– Tốt, trong chốc lát sẽ biết ai được thua, ông bạn già bảo sao đây nếu chữ ông viết được nhắc lại đúng ? ông chịu tin có chuyện như vậy không ?
– Lúc này tôi chưa nói được gì nếu chữ đoán ra đúng, ông dè dặt đáp. Tuy nhiên có một điều tôi có thể đáp, là một khi tôi tin được thuyết Thông linh học và chuyện có hiện tượng, tôi sẽ sẵn sàng tin có ma quỷ, thần tiên, phù thủy, đủ hết chuyện mê tín dị đoan, và quí vị có thể cho tôi nhập viện tâm thần.
Nói xong ông tiếp tục chơi bài và không màng gì nữa đến việc xẩy ra... Vera nhắc lại mẫu tự mà tiếng gõ cho biết (một tiếng gõ là A, hai là B v.v.), viên tướng già viết xuống còn Helena dường như chẳng làm gì hết...
Khi xếp lại những mẫu tự theo tiếng gõ thì họ được một chữ thật kỳ lạ, quái dị không có liên hệ gì đến bất cứ điều gì mà đại tá Hahn có thể viết ra. Mọi người tin rằng đó phải là câu rắc rối nên họ nhìn nhau sững sờ, nghi ngại không biết có nên to tiếng đọc chữ đó không, cả nhóm mới hỏi rằng câu đáp chỉ có bấy nhiêu thôi ư, tiếng gõ hóa ra khẳng định mạnh mẽ. Họ nghe một tràng từng ba tiếng gõ một, theo thỏa thuận trước có nghĩa là Đúng !... đúng, đúng, đúng !!!
Thấy cả nhóm hoang mang và thì thào, ba của Helena nhìn qua mục kính hỏi mọi người:
– Sao ! Quí vị có câu đáp chưa ? Hẳn phải là cái gì sâu sắc văn hoa lắm !
Ông đứng dậy cười sau bộ râu mép và đi lại gần cả bọn. Vera bước đến cha mình nói có chút hoang mang:
– Con chỉ được một chữ.
– Chữ gì ?
– "Zaitchik."
Nét mặt đại tá biến sắc khi nghe chữ này cho ra cảnh tượng thật lạ. Ông hóa tái nhợt. Đưa tay run rẩy sửa lại cặp kính, ông hấp tấp dang tay ra và nói:
– Cho ba xem, đưa đây nào. Quả đúng vậy sao ?
Ông đón lấy mảnh giấy và đọc với giọng run rẩy:
– Zaitchik. Phải, Zaitchik. Đúng nó rồi. Lạ hết sức !
Lấy trong túi ra mẫu giấy mà ông đã viết lên đó khi sang phòng kế bên, đại tá lặng thinh đưa cho con gái và khách đọc. Họ thấy trên giấy cả câu hỏi đặt ra và câu trả lời viết sẵn. Giấy viết như sau:
– Tên con chiến mã mà tôi ưa thích cỡi trong chiến dịch đầu tiên với Thổ Nhĩ Kỳ là gì ?
Bên dưới đó có chữ viết trong ngoặc ("Zaitchik" có nghĩa "Tiểu thố" con thỏ nhỏ hay "Bạch Lãng” sóng bạc đầu). Cả bọn đắc thắng và hân hoan bầy tỏ cảm tưởng của họ. Chữ Zaitchik duy nhất ấy có ảnh hưởng to tát với ba của Helena, và giống như chuyện hay thấy cho người thường hoài nghi, một khi khám phá là quả thực có gì đó trong những lời Helena hay nói, và sự việc không có gì là xảo thuật hay dối trá, khi tin được hiện tượng này ông chú ý đến các hiện tượng với sự hăng hái của người nghiên cứu hết lòng. Đại tá làm việc ngày lẫn đêm, viết lại gia phả của dòng họ nhờ vào chỉ dẫn của nhân vật vô hình. Ông dựa vào đó để kiểm lại và nếu được, điền vào những chỗ còn thiếu trong gia phả, bắt đầu từ một ông tổ là hiệp sĩ thập tự quân bá tước von Rottenstern. Truyền thuyết trong dòng họ kể rằng bá tước nhờ nghe tiếng gáy của gà trống (hahn) nên tỉnh dậy trong lều, và bắt được kẻ địch lẻn vào muốn ám sát ông. Nhờ cứu được mạng nên bá tước đem hình gà trống vào huy hiệu của dòng họ, và tên ông biến thành Hahn von Rottenstem Hahn.
Bác của Helena là J.A. von Hahn, giám đốc bưu điện tại St. Petersburg là người quan tâm nhiều nhất đến việc làm có nét huyền bí trên. Để xác nhận những chi tiết có nguồn gốc vô hình này, người ta tra cứu những văn kiện trữ ở văn khố đóng bụi tại cả Nga và Đức, và tất cả những điều có thể kiểm lại trong tài liệu lưu trữ, cho thấy nguồn tin bí ẩn cho tin không sai chạy chút nào.

CHƯƠNG III
Khả Năng Siêu Hình của Helena

Khả năng siêu hình của Helena được gia đình và người chung quanh tại Pskoff nhận biết rõ. Hồi thơ ấu khả năng này đã lộ ra, và rồi trong thời gian du hành 1849 - 59 nó được phát triển thêm. Nay khi Helena quay trở về Nga, cô có những khả năng huyền bí mà thời bấy giờ tin là thuật đồng bóng. Vera hỏi không ngừng về những điều này, cô thấy là những tiếng gõ xẩy ra khi có mặt Helena trong phòng có thể làm tăng thêm hay giảm đi, và có lúc Helena còn làm ngưng hẳn bằng sức mạnh ý chí, chứng minh ngay tại chỗ. Dân gian gọi Helena là cô đồng, nhưng cô cười lớn và trấn an gia đình rằng mình không phải là đồng bóng, mà là kẻ trung gian giữa người bằng xương bằng thịt với các nhân vật khác không ai biết. Vera than là cô không hiểu sự phân biệt đó... nhưng tin rằng những lực mà Helena dùng để tạo hiện tượng có thể chia làm nhiều loại. Sinh vật vô hình loại thấp nhất tạo ra đa số các hiện tượng, còn nhân vật cao nhất thì làm để chìu lòng và hiếm khi chịu giao tiếp với người lạ. Họ chỉ hiện ra cho gia đình thấy, nghe, chạm được trong những giờ phút yên lặng an tĩnh trong nhà, khi không ai màng đến phép lạ hay muốn có thử nghiệm vô ích, hay khi không có ai cần phải thuyết phục hay giải thích.
Trong đa số trường hợp hiện tượng xẩy ra rời rạc, có vẻ như bất kể ý chí của Helena hay đề nghị của bất cứ ai, và thường thường đi ngược lại ý muốn của những người hiện diện. Gia đình rất bực bội khi có dịp để thuyết phục ai có trí thức cao độ, nhưng chỉ vì Helena ngang bướng hay không muốn và chẳng có gì xẩy ra.
Vera còn nhớ ngày kia khi gia trang có tiệc lớn, nhiều gia đình ở xa tới dự có trường hợp xa đến hằng mấy trăm dặm, với mục đích là thấy được hiện tượng... Helena trấn an gia đình là sẽ làm hết sức mình. lại không khiến chuyện gì xẩy ra trong mấy ngày. Khách bất mãn ra về đầy lòng nghi ngờ, trách móc nhưng cửa vừa khép lại sau lưng họ, chuông ngựa reo nhỏ xa dần trên lối đi, thì mọi vật trong phòng như bừng sống (Về sau Helena giải thích việc không làm hiện tượng khi được yêu cầu, là vì trong người mệt mà cũng chán ghét sự thèm khát không bao giờ thỏa mãn, muốn thấy phép lạ của công chúng). Bàn ghế làm như đầy sức linh hoạt có tiếng nói, trọn chiều tối và đêm diễn ra như chuyện thần tiên... cả nhà vừa ngồi vào bàn dùng bữa tối thì đàn dương cầm ở phòng bên cạnh phát ra tiếng nhạc. Ngồi ở bàn ăn mọi người đều có thể qua cửa mở rộng, nhìn thấy cây đàn đặt xa tít đâu kia, nắp đàn đóng kín và khóa nhưng điệu nhạc vang lớn.
Rồi khi Helena ra lệnh và đưa mắt nhìn thì cái rổ nhỏ đựng thuốc lá, hộp diêm, khăn tay hay bất cứ cái gì mà cô hỏi cần hay được yêu cầu hỏi, bay ào ào qua không khí đến cô. Kế đó lúc tất cả mọi người ngồi xuống ghế thì đèn đột nhiên tắt phụt, cả đèn bóng và nến, làm như một trận gió lớn thổi quét trọn gian nhà. Lúc bật que diêm lên thì tất cả bàn ghế: trường kỷ, ghế bành, bàn, tủ bị đặt chổng ngược lên, như thể có bàn tay vô hình lặng êm lật ngửa chúng, mà không một chạm khắc tinh xảo nào hay bát đĩa nào bị vỡ.
Mọi người chưa hoàn hồn hẳn về sự việc này, thì lại nghe ai đó dạo trên dương cầm một khúc nhạc quen thuộc phát ra tiếng to. Lần này là một hành khúc dài marche de bravoure. Khi mọi người cầm nến cháy sáng chạy vội đến cây đàn, và Vera đếm kỹ số người hiện diện để xem chắc là không thiếu ai, thì thấy như mình đoán trước là nắp đàn khóa kỹ, hợp âm chót của khúc nhạc vẫn còn vang vọng trong không khí, bên dưới nắp đàn nặng và đóng chạt.
Vera kế rằng Helena có thể viết câu trả lời, trong lúc ba điều bốn chuyện với khách về những đề tài khác hẳn câu hỏi. Ngay từ hồi nhỏ và cho tới ngày nay lúc Vera thuật chuyện, Helena nói rằng mình thực sự thấy tư tưởng của người đưa câu hỏi, hay hình ảnh của bất cứ chuyện gì họ nghĩ treo lơ lửng trong vùng gần đầu họ. Cô chỉ làm một việc là chép lại một cách ý thức, hay để cho tay mình ghi một cách máy móc, và không bao giờ để cho ai khác (lực vô hình) phụ giúp mình.
Chuyện thay đổi khi người ta muốn được trả lời bằng tiếng gõ. Trước tiên Helena phải đọc và diễn giải tư tưởng của người hỏi, và ráng nhớ sau khi tư tưởng biến đi, kế đó xem chừng những mẫu tự ráp thành chữ, chuẩn bị ý chí để sinh ra tiếng gõ đúng mẫu tự, và làm phát ra tiếng gõ vào đúng lúc trên bàn, hay bất cứ vật nào được chọn để có tiếng gõ.
Cái đáng nói là khi thấy Helena đọc sách, gia đình như cha cô, Vera, cô giáo của Lisa, không muốn làm rộn nên hỏi thầm trong trí, đặt câu hỏi trong đầu và viết ra mẫu tự theo tiếng gõ trên tường hay trên bàn gần mình. Họ lạ lùng thấy khi Helena hiện diện thì cuộc trò chuyện không lời này với lực thông minh, thành công nhất trong lúc cô ngủ hay rất đau yếu. Thời gian sau Helena không chọn cách gõ để trả lời nữa mà viết trực tiếp hay nói đáp lại, cho rằng cách sau mau hơn và vừa ý hơn. Cô luôn luôn làm vậy một cách ý thức, giải thích là chỉ cần theo dõi tư tưởng của người thoát ra khỏi đầu họ như làn khói sáng xoáy tròn, có khi thì như một giải chất liệu rực sáng xếp lại thành hình rõ rệt quanh họ.
Có khi tư tưởng và câu trả lời cho chúng tạo ấn tượng trong trí não cô, xếp thành chữ và câu y như ý tưởng tự mình nghĩ ra. Dầu vậy hình ảnh trước đáng tin hơn, vì nó độc lập và tách biệt với cảm nghĩ của chính người quan sát, là thông nhãn thuần túy mà không phải là việc chuyển di tư tưởng, cái dễ hòa lẫn vào cảm nghĩ sống động hơn của riêng mình.
Khả năng huyền bí của Helena càng ngày càng mạnh hơn, và cuối cùng có vẻ như cô làm chủ được mọi loại hiện tượng, và những hiện tượng rời rạc dần dần mất đi khi có mặt cô. Chúng vẫn còn nhưng rất hiếm và luôn luôn rất đáng kể.

Rougodevo

Từ thủ đô St Petersburg, cả gia đình về trang trại của Vera tại Rougodevo thuộc tỉnh Novgorod vào mùa hè 1859. Ổ đó Vera thuật lại là bất chợt họ như sống trong chuyện thần tiên, và dân dần quen thuộc với việc bàn ghế tự di động, vật được dời từ nơi này sang nơi khác mà không có gì giải thích được. Gia đỉnh cảm biết đang sống hằng ngày trong sự hiện diện và can thiệp của một lực thông minh, mãi rồi họ không còn để ý tới hiện tượng, nhưng ai khác chứng kiến đều cho rằng đó là phép lạ. Tất cả mọi người ở trang trại kể luôn cả gia nhân, luôn thấy kể cả ban ngày giữa trưa những bóng người mờ nhạt đi lại giữa phòng trong nhà, hiện ra ngoài vườn, trên luống hoa trước nhà và gần nhà nguyện cũ. Nhiều lần ba của hai chị em, cô gia sư của Lisa cô em út, nói rằng họ vừa thấy rất rõ hình dạng này hay kia....
Đại tá Hahn tục huyền, lại góa vợ lần thứ hai và có thêm con gái nhỏ là Lisa lúc này được chín tuổi. Chẳng những Helena mà nay cả Lisa, cũng nhiều lần thấy những hình dạng người lạ lướt êm không tiếng động, dọc theo hành lang trong ngôi nhà cũ. Cái lạ là Lisa không sợ những hình bóng này, mà ngây thơ tưởng đó là người sống, chỉ thắc mắc họ từ đâu tới, là ai, và tại sao chỉ có chị cả và mình chịu chào hỏi họ. Cô bé nghĩ không ai chào hỏi các hình bóng ấy là chuyện rất thô lỗ. May mắn là khả năng này chấm dứt rất sớm và mất luôn.
Hai hay ba ngày sau khi tới đây, Helena và Vera đi dạo ở sân trước lúc trời chiều, cửa sổ những phòng trống hứng lấy ánh sáng vàng của mặt trời lặn. Helena chăm chú nhìn vào phòng, và nói rằng người thấy trong phòng không phải là người thuộc thế giới này. Vera không thấy ai cả nên kinh sợ. Helena tiếp rằng trông họ như người sống nhưng không phải, y phục họ giống như trong tranh cổ mà lạ nhất trong bọn là một ông cụ già đội khăn đen kỳ lạ, mặt lộ vẻ đau khổ có móng tay dài hơn 3 tấc trông như là vuốt nhọn. Vera sợ quá bèn chạy vội vào nhà.
Ngôi làng ở Rougodevo nằm trên đất của Vera, chồng cô mua nơi đây khi trước và nay ông mất sớm nên nó thuộc về cô, dân làng là nông nô cũng thuộc về cô cùng với trang trại. Sáng hôm sau cô cho mời bô lão cao tuổi nhất trong làng đến nhà, để hỏi những chuyện Helena nói hôm qua có ý nghĩa gì. Có chứ, ông đáp. Đó là ông chủ trước của trang trại, Nikolai Nikolaivich Shousherin, trang trại này thuộc về cháu ngoại của ông và bà là người bán nó cho chồng của Vera. Khi ở Lithuania, ông Nikolai mắc bệnh nặng về da làm ông không thế cắt tóc hay móng tay, móng chân vì sẽ bị chảy máu đến chết nên phải để chúng mọc dài như Helena thấy. Những gian phòng mà Helena nhìn vào, là chỗ dùng để quàn người chết trong nhà trước khi mang đến nhà nguyện.
Cuộc sống êm đềm của hai chị em tại Rougodevo chấm dứt khi Helena mắc bệnh nặng. Nhiều năm trước đó trong cuộc du lịch của mình, Helena bị thương khá sâu. Vết thương thỉnh thoảng há miệng trở lại gây đau đớn nhức nhối, có khi làm Helena mê man. Bệnh hành chừng ba tới bốn ngày rồi tự nhiên êm như cũ. Kỳ này gia đình cho mời một bác sĩ ở thị trấn bên cạnh tới, ông chứng kiến một hiện tượng làm hết sức kinh ngạc. Ấy là trong lúc Helena nằm bất tỉnh, bác sĩ đang xem xét vết thương thì một bàn tay to, da sậm chen vào giữa tay ông và vết thương mà ông sắp thoa thuốc. Vết thương nằm bên dưới trái tim, bàn tay liên tục vuốt không ngừng từ cổ xuống tới thắt lưng. Sự việc khiến ông kinh hoảng mà chẳng những vậy, cùng lúc còn có tiếng động lịch kịch từ trần nhà, sàn nhà, thành cửa sổ và bàn ghế kêu cọt kẹt khắp phòng, ông phải xin có người trong phòng với mình khi thăm bệnh, sau đó không muốn trở lại thăm bệnh nữa cho dù Vera cố gắng thuyết phục.
Mùa xuân 1860 hai chị em rời Rougodevo đi Tiflis ở vùng núi Caucasus thăm ông bà ngoại mà hơn mười năm qua Helena không gặp. Trên đường, tới thị trấn Zadonsk, hai chị em được biết là tổng giám mục Isadore hiện đang có mặt tại đây. Họ có quen biết ông khi xưa, lúc ông là giám mục thành phố Kiev và thường lui tới nhà ông bà ngoại hai cô ở Tiflis, nên rất muốn được gặp lại, ông cũng còn nhớ nên mời cả hai đến chơi. Dọc đường tới tu viện nơi tổng giám mục tạm trú, Vera lo trong bụng nên dặn chị:
– Chị nhớ dặn trò quái quỷ giữ yên lặng trong lúc mình gặp tổng giám mục nghe.
Helena cười lớn và nói rằng mình cũng muốn vậy, nhưng không bảo đảm. Dĩ nhiên khi nghe câu đáp thì Vera than thầm, và cô không lấy làm ngạc nhiên tuy hết sức ngượng nghịu khi có chuyện xẩy ra. Vị tu sĩ già vừa hỏi thăm Helena về những cuộc du hành của cô thì có tiếng gõ nổi lên. Một ! hai ! ba ! Một ! hai ! ba ! Làm như có người nhất định đòi góp lời, chen chân vào chuyện vì bàn ghế lay động kêu răng rắc, chùm hoa đăng trên trần tự đong đưa như có sự sống riêng, cửa kính, những tách trà của ba người, ngay cả tràng hạt bằng hổ phách mà tổng giám mục đang cầm trong tay, cũng lắc qua lại và rung động.
Ông thấy ngay sự lúng túng của hai cô, rồi khi một cái ghế bành lắc lư tiến lại gần ông, bàn dưới tay ông rung rinh thì đoán biết mọi chuyện ngay, và hỏi trong hai chị em ai sinh ra hiện tượng. Vera vội vàng trỏ sang Helena. Tu sĩ trò chuyện với hai cô hơn ba tiếng đồng hồ, lúc thì đặt câu hỏi nói to rõ ràng, lúc thì hỏi thầm trong trí để được trả lời, tỏ ra thỏa mãn với câu đáp. Xem ra ông hết sức kinh ngạc mà cũng rất hài lòng được chứng kiến hiện tượng. Khi hai người ra về, ông ban phép lành cho hai cô và nói họ không có gì phải sợ hiện tượng, bởi:
– Không có lực gì không từ Thượng đế mà ra. Bao lâu mà con không lạm dụng năng khiếu trời cho thì không phải lo lắng. Con người không hề bị ngăn cấm việc nghiên cứu những lực bí ẩn trong thiên nhiên. Một ngày kia nhân loại sẽ hiểu rõ và sử dụng chúng.

Tiflis

Vera ghi rằng Helena lưu lại Tiflis, đô thị lớn của vùng Caucasus, khoảng bốn năm. Tính khí ngang ngạnh, Helena kết được nhiều bạn mà cũng đông người không ưa mình. Helena cư xử theo ý riêng mà không theo thói đời, chẳng hạn một người một ngựa dong ruổi trong rừng, trò chuyện với dân quê ít học, thiếu vệ sinh trong chòi đầy khói, thay vì đến chơi phòng khách sang trọng của xã hội thượng lưu với các nhân vật phù phiếm...Trọn cả vùng kháo nhau về con người này, giới quí tộc xem Helena như một thuật sĩ (magician), đến xin chữa bệnh hay nhờ cố vấn chuyện riêng. Helena cũng mở thương nghiệp trên bờ Hắc Hải và sau đó là thành phố Odessa.
Năm 1862, Helena làm hòa với chồng và sống chung nhà với ông một năm tuy không phải là vợ chồng. Hai người làm thủ tục nhận nuôi một bé trai tên Yuri bị gù lưng và hay đau ốm. Về việc này một ý kiến nói rằng Yuri là con ngoại hôn của Nathalia Blavatsky, người có thể là thân nhân của ông Nikifor Blavatsky, và ông cùng Helena nhận Yuri làm con để tránh tai tiếng cho Nathalia.
Helena ở với ông ngoại tại Tiflis trong năm 1863, sang năm 64 Helena đến nơi vắng vẻ bên sông Riom kinh doanh về ngành mộc, mua bán loại gỗ đặc biệt dùng làm đuốc. Do tác dụng của nấm Polyporus squamosus gỗ hóa mềm, dễ bắt lửa và cháy trong một thời gian lâu. Helena xếp đặt việc đốn gỗ, kết bè thả trôi theo sông xuống thành phố để xuất cảng. Sau đó cô mở xưởng làm hoa giả, làm mực. Vera bảo Helena thành công trên thương trường nhưng không ở lâu trong ngành, cũng không coi việc làm này thấp kém so với địa vị của mình, đối với cô ngành nào buôn bán đúng đắn là tốt. Vera có hơi ngạc nhiên với công chuyện làm ăn của chị, tự hỏi sao Helena không chọn nghề nghiệp hợp với năng khiếu của mình hơn, bởi hồi nhỏ Helena không hề biết đến thương mãi mà có tài về nhạc và văn chương, có khả năng tri thức rất đáng kể.
Một hôm Helena té ngựa, bị hôn mê nhiều tháng. Thấy sức khỏe cô càng ngày càng suy sụp, nửa tỉnh nửa mê, bác sĩ gửi Helena về thân nhân ở thành phố Tiflis. Bởi cô quá yếu không thể đi ngựa, mà đường bộ bằng xe thì nguy hiểm, người ta mới đưa cô đi bằng thuyền lớn trên sông, có bốn người giúp việc đi theo săn sóc cho chuyến đi dài bốn ngày. Dòng nước hẹp, hai bên bờ dốc là rừng rậm hun hút, chỉ có chiếc thuyền lặng lẽ chầm chậm trôi trên sông. Các gia nhân nói rằng trong ba đêm liên tiếp, họ sợ thất kinh hồn vía bởi thấy hồn cô chủ rời khỏi thuyền đi trên nước băng qua sông về khu rừng, trong khi xác cô nằm sóng sượt trên giường trong khoang.
Hai lần thấy như thế, người lái tầu kéo thuyền thối lui, hoảng sợ thét lớn. Nếu không nhờ một lão bộc trung thành đi theo săn sóc chủ, thì thuyền và bệnh nhân hẳn đã bị bỏ rơi giữa sông. Đêm chót gia nhân nói rằng họ thấy hai hình người ngoài thuyền trong khi thân xác cô chủ nằm ngủ trước mắt họ. Khi thuyền tới thị trấn Kutais nơi Helena có thân nhân, tất cả người giúp việc bỏ lên bờ đi mất chỉ còn lại lão bộc ở cạnh. Từ đây mang Helena tới Tiflis thật khó khăn, khi đến nơi Helena có vẻ không xa cái chết là mấy...
Một hôm khi bắt đầu bình phục và còn rất yếu, Helena sang phòng bà dì Nadyezhda đang viết thư, hai người chuyện trò vài câu rồi cô ngả lưng trên ghế tràng kỷ, ngủ thiếp đi vì mệt mỏi. Nadyezhda yên lặng quay sang viết thư tiếp thì bất thình lình, có tiếng chân đi êm nhưng rất rõ trong phòng đằng sau ghế của cô, làm Nadyezhda quay phắt lại xem ai vào, không muốn Helena bị làm rộn trong lúc ngủ. Tuy nhiên phòng trống không có ai khác ngoài bà dì và cô cháu gái, đâu vậy tiếng chân vẫn tiếp tục nghe rõ, làm như có người nặng cân đang rón rén đi và sàn nhà kêu kẽo cọt luôn. Tiếng chân đến gần ghế trường kỷ rồi ngưng bặt đi. Tiếp đó Nadyezhda nghe tiếng động mạnh hơn, như thể ai đó thì thầm với Helena, và rồi Nadyezhda thấy một cuốn sách trên bàn gần ghế trường kỷ mở ra, trang sách lật tới lui giống như có bàn tay vô hình đang bận rộn xem sách. Một cuốn sách khác được lấy ra khỏi kệ trên tường và bay về hướng ghế.
Kinh ngạc nhưng không sợ hãi, vì ai trong nhà cũng đều quen và thấy tự nhiên với chuyện lạ lùng như thế, Nadyezhda đứng dậy khỏi ghế tính đánh thức cháu gái với hy vọng làm hiện tượng ngưng lại, nhưng cùng lúc đó một chiếc ghế bành nặng nề từ đầu kia gian phòng băng tới ghế trường kỷ, làm sàn nhà rung động. Tiếng động đánh thức Helena dậy, ngay khi mở mắt cô cất tiếng hỏi người vô hình có chuyện gì thế. Đáp lại thì có tiếng thì thầm rồi mọi việc yên tĩnh như cũ, lặng lẽ kéo dài tới đêm.
Vera tin rằng khả năng của Helena thay đổi sau cơn bệnh, với việc hiện tượng chung quanh không còn xẩy ra ngoài ý của cô, nói khác đi Helena không còn chịu ảnh hưởng những lực bên ngoài mà đã làm chủ được chúng. Tại Pskoff và Rougodevo chuyện xẩy ra rất thường, và Helena chưa thể kiểm soát và càng không thể ngưng hiện tượng biểu lộ, nhưng sau cơn bệnh ở Tiflis cô hoàn toàn điều khiển được lực bằng ý chí của mình. Bằng chứng là cô ngưng được hiện tượng theo ý, có khi trong nhiều tuần, và rồi có thể ra lệnh cho hiện tượng diễn ra, để những ai hiện diện được quyền chọn lựa. Ý chí của cô nay khống chế được những lực vô hình.
Về điều này, mọi người thường cho rằng hiện tượng khi Helena có mặt là do người đã khuất làm qua cô, do khả năng liên lạc được với cõi vô hình mà ta gọi nôm na là tài đồng bóng, nhưng Helena luôn luôn bác bỏ việc ấy. Cô một mực nói luôn rằng từ hồi nào đến giờ chỉ có một lực ảnh hưởng cô, là lực của Chân sư, cũng như hình bóng cô luôn thấy là hình bóng của Chân sư mà không phải là vong linh nào đã khuất. Vera bảo mình chưa bao giờ thấy Ngài nhưng không hề có chút nghi ngờ, dầu vậy cô đầy thắc mắc và khi nói thẳng cho chị hay thì Helena đáp:
– Phải chi em có hiểu biết nhiều hơn...

 

Geese